I. HOÀN CẢNH, NỘI DUNG, GIÁ TRỊ, Ý NGHĨA CỦA DI CHÚC
1. Hoàn cảnh và quá trình viết Di chúc
- Nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, vào lúc 9 giờ 00, ngày 10 tháng 5 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. Đến ngày 15 tháng 5, bản Di chúc đầu tiên này hoàn thành, dài gần 3 trang, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn - lúc đó là Bí Thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ ngày 10 tháng 5 năm 1965 đến lúc kết thúc viết Di chúc ngày 10 tháng 5 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung và viết lại. Năm 1966 và 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có bản viết riêng, chỉ có hai bản bổ sung vào Di chúc năm 1965. Năm 1968, Người viết bổ sung một đoạn gồm 06 trang viết tay, ngày 10 tháng 5 năm 1969 viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm 01 trang viết tay.
- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9 năm 1969, gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm. Ngày 19 tháng 8 năm 1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 đảm bảo trung thành với bản gốc của Người. Nội dung chủ yếu dựa theo bản Bác Hồ viết năm 1965, trong đó đoạn mở đầu là của bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là của bản viết năm 1968. Lúc đầu, vì những lý do nhất định, nên một số vấn đề trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được công bố, như: Việc căn dặn của Người về hỏa táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp... Trong dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.
- Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam - Bắc với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Đế quốc Mỹ sau thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", chúng tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, đồng thời leo thang "Chiến tranh phá hoại" miền Bắc lần thứ nhất; Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) tháng 3 năm 1965 đã quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau khi đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, chúng ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pari.
Vào thời điểm này, mặc dù trí tuệ còn minh mẫn, tinh thần còn sáng suốt nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh tự cảm nhận sức khỏe của mình đã có phần giảm sút so với những năm trước, khó đoán biết còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân được bao lâu nữa.
2. Nội dung cốt lõi của Di chúc
- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng, nhấn mạnh truyền thống đoàn kết trong Đảng; yêu cầu thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đoàn viên thanh niên, nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định đây là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước; yêu cầu Đảng phải chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho họ.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Nhân dân lao động: Người cho rằng, Nhân dân lao động bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân; Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định thắng lợi thuộc về Nhân dân ta; Người căn dặn sau khi kháng chiến thắng lợi, chúng ta ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho Nhân dân.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về phong trào cộng sản thế giới: Mong muốn các đảng anh em đoàn kết, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau, nâng cao tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản; Người đau lòng trước những bất hòa giữa các đảng anh em.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về một số việc riêng: Liên quan đến hậu sự của Người, căn dặn chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân; căn dặn hỏa táng thi hài để vừa tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên mong muốn cuối cùng trước lúc đi xa là mong muốn toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
3. Giá trị cơ bản của Di chúc
3.1. Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng
- Di chúc thể hiện sự tự nhận thức sâu sắc về bản thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đón nhận quy luật cuộc sống bằng phong thái ung dung, tự tại, chuẩn bị việc ra đi của mình bằng những lời tâm huyết dặn lại. Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với Nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và Nhân dân; là tấm lòng chung thủy với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.
3.2. Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền
- Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với Nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
- Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.
- Cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Điều Bác dặn trong Di chúc “Về phong trào cộng sản thế giới” chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.
3.3. Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta
- Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi ích và chăm lo chu đáo cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
- Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội.
- Giá trị văn hóa của Di chúc rất lớn lao, trong đó Bác chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hóa Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động giáo dục văn hóa trong toàn dân, toàn xã hội, lấy văn hóa chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền và văn hóa trong thể chế nhà nước - một nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân, vì dân làm sức mạnh tiêu biểu nêu gương thuyết phục Nhân dân. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hóa mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái.
- Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, "là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.
- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
4. Ý nghĩa của Di chúc
- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện, nó vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai, đặc biệt là quan hệ với các Đảng Cộng sản anh em, các nước xã hội chủ nghĩa. Ở vấn đề này, khi hệ thống chủ nghĩa xã hội có nhiều biến đổi, nhất là những diễn biến phức tạp trong khu vực và thế giới gần đây càng cho chúng ta thấy Di chúc của Người có ý nghĩa thời sự sâu sắc.
- Di chúc vừa là văn kiện của một nhà chính trị lớn, lãnh tụ cao nhất của Đảng và dân tộc, Người đã sáng tạo ra thời đại mới, “thời đại Hồ Chí Minh”, thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam; vừa là tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ của một nhà văn hóa lớn. Đây là sự phản ánh thống nhất, cô đọng nhất về toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và Nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất; thể hiện mong muốn cuối cùng của Người.
- Di chúc thể hiện cô đọng và sâu sắc những tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta những việc to lớn, hệ trọng, cần làm sau khi đất nước thống nhất.
II. NHỮNG THÀNH TỰU TO LỚN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM QUA 50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA NGƯỜI
1. Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội
- Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 là điểm mốc quan trọng, là bước ngoặt thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước, bảo vệ và phát triển những thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện điều mong mỏi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
2. Từng bước thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân
- Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo Nhân dân tiến hành công cuộc cách mạng đưa cả nước đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Mặc dù tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, vừa phải thường xuyên đối phó với những âm mưu chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, vừa phải xây dựng cuộc sống mới từ một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, vừa phải làm nghĩa vụ quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã phấn đấu vượt qua khó khăn gian khổ và thu được những kết quả hết sức quan trọng là khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh; xây dựng một số cơ sở vật chất; phát triển được một số ngành kinh tế quan trọng; thiết lập và củng cố chính quyền Nhân dân trên phạm vi cả nước; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới.
- Tuy vậy, trong xây dựng kinh tế, ta cũng đã từng phạm những sai lầm, khuyết điểm lớn trong chủ trương, chính sách cũng như trong quá trình chỉ đạo thực tiễn. Nhưng Đảng sớm nhận thức tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế, trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, kiên định mục tiêu, con đường Bác Hồ đã chọn, thẳng thắn phân tích những nguyên nhân của sự vấp váp, sai lầm, tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của Nhân dân và dân tộc, Đảng ta đã khởi xướng đường lối đổi mới và quyết tâm tiến hành sự nghiệp đổi mới vì hạnh phúc của Nhân dân.
- Công cuộc đổi mới ở nước ta hơn 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Về kinh tế, đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng, cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, đời sống của các tầng lớp Nhân dân không ngừng được cải thiện; thực hiện có kết quả chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành; cơ cấu kinh tế ngành, vùng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, giữa tiến bộ và công bằng xã hội; công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp; khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển nhất định; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có tiến bộ; những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hóa với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hóa - nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng; quan hệ đối ngoại phát triển mạnh mẽ, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao...
3. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, kiên định sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng
- Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chiến lược và sách lược tài tình, nhà tổ chức thiên tài, nhà cổ động chính trị vĩ đại, người có công rèn luyện, giáo dục bao lớp cán bộ ưu tú của Đảng. Người đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, Đảng ta đã khẳng định cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.
- Thực hiện Di chúc của Người, trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới rất nặng nề, các thế lực tấn công toàn diện vào Đảng, vào chế độ, Đảng ta vẫn vững vàng, thể hiện rõ bản chất cách mạng và khoa học, kiên định về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn, quan trọng, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
- Công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tiếp theo Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng ta đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14 tháng 5 năm 2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15 tháng 5 năm 2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ngày 16 tháng 01 năm 2012 một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30 tháng 10 năm 2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sau thời gian triển khai thực hiện, các cấp ủy đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương của Bác Hồ đã có chuyển biến; tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, ý thức trách nhiệm với công việc được giao của cán bộ được nâng lên; góp phần khắc phục từng bước tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
- Công tác xây dựng Nhà nước đã quán triệt nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy tính sáng tạo của nhân dân; tham khảo và vận dụng có chọn lọc lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân loại vào điều kiện cụ thể Việt Nam, đảm bảo phù hợp với dân tộc, thời đại và hoàn cảnh thực tiễn của đất nước. Kết quả của công tác xây dựng Đảng nói riêng, xây dựng hệ thống chính trị nói chung là nhân tố góp phần làm nên thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam và sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời gian qua.
4. Phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế
- Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời đã giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản, đề ra nhiệm vụ đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, với các dân tộc bị áp bức, coi đó là một nguyên tắc, một trong những nhân tố quyết định thành công của cách mạng nước ta. Bằng những việc làm vô tư trong sáng trong việc giúp đỡ bạn bè, cùng với việc không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với tất cả các nước, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vai trò vị trí quốc tế của nước ta ngày càng lớn, uy tín nước ta ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế.
- Từ sau khi phá bỏ chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ và các lực lượng thù địch nước ngoài, Việt Nam đã tham gia hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, mở rộng quan hệ ngoại giao với trên 180 nước, quan hệ kinh tế thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế (ASEAN, ASEM, APEC, WTO...); tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hòa bình khu vực và thế giới.
5. Những kết quả đã đạt được của thành phố Hồ Chí Minh qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác
5.1. Bằng tình cảm thiêng liêng với Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí tiến công cách mạng, bám sát thực tiễn, kiên trì và quyết liệt, đặc biệt hơn 30 năm cùng cả nước tích cực thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 2019) đã xây dựng và phát triển một thành phố Hồ Chí Minh “năng động, sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, trở thành đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, là động lực, nơi hội tụ và sức lan tỏa lớn không chỉ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn của cả nước.
- Kinh tế thành phố luôn tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Giai đoạn 1991 - 1995 tăng 12,6%; giai đoạn 1996 - 2000 tăng 10,1%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 11%; giai đoạn 2006 - 2010 tăng 11,4%; giai đoạn 2011 - 2015, GDP thành phố tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân 5,8% của cả nước; giai đoạn 2016 - 2018 tăng 8,2%/năm và gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Đóng góp thu ngân sách của thành phố vào ngân sách cả nước năm sau cao hơn năm trước, năm 2011 chiếm 27,7%, năm 2014 chiếm 30%, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010, năm 2018 tiếp tục là địa phương đóng góp lớn nhất cho ngân sách cả nước 27%. Thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, giai đoạn 1995 - 1996 là 712 USD; giai đoạn 1996 - 2000 là 1.004 USD; giai đoạn 2001 - 2005 là 1.656 USD; giai đoạn 2006 - 2010 là 3.199 USD; giai đoạn 2011 - 2013 là 4.517 USD/người và năm 2017 tăng lên 5.945 USD/người. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 7,6%/năm; trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tăng 10,3%/năm. Qua đó, công nghiệp đóng góp 20,5% vào cơ cấu và khoảng 1,5 điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế Thành phố. Ngoài ra, ngành công nghiệp thành phố đóng góp 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và 16% quy mô công nghiệp cả nước. Thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2017 đạt 5,6%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2017 đạt 450 triệu đồng/ha, giai đoạn 2015 - 2017 tăng bình quân 11,5%.
- Giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thành phố. Thành phố luôn giữ vững ổn định chính trị, không để xảy ra điểm nóng, tình huống mất ổn định, kể cả khi tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thế giới có những diễn biến phức tạp. Đây là một trong những thành tựu nổi bật, vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của quá trình phát triển, thể hiện năng lực lãnh đạo, sự kiên định và quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân thành phố trong thực hiện đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự ổn định chính trị với nền tảng là an dân thực sự là cơ sở chính trị quan trọng để thành phố Hồ Chí Minh dám nghĩ, dám làm, đi đầu cùng cả nước, vì cả nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vai trò của Thành phố với cả nước và các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.
- Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, đã thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quá trình phát triển thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đã làm cho đô thị thành phố có nhiều thay đổi, phát triển vượt bậc; đã tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục xuyên tâm, trục Bắc Nam, đường vành đai, các tuyến metro, đường trên cao… Thành phố đang tập trung triển khai xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố, có nhiều giải pháp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là các giải pháp quản lý, tạo môi trường và điều kiện quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho Thành phố. Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố (quận 2, 9 và Thủ Đức) là hạt nhân lan tỏa của Thành phố trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Đời sống Nhân dân được cải thiện, thu nhập từng bước được nâng lên. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài mục đích phục vụ lợi ích của Nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng sống của Nhân dân. Đảng bộ thành phố đã dựa vào Nhân dân để phát động các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân; thành phố phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới; nơi khởi xướng và thực hiện tốt các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo; chăm lo cho công nhân, người lao động... mang lại kết quả thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sinh động bản chất tốt đẹp của chế độ.
+ Hoàn thành trước 2 năm mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020; cuối năm 2015, thành phố ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020 với tiêu chí thu nhập cao gấp 1,95 lần chuẩn nghèo quốc gia và tiêu chí đa chiều phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đặc điểm dân cư thành phố. Cả hệ thống chính trị của thành phố cùng chung tay thực hiện giảm nghèo; huy động hiệu quả nguồn lực của các tầng lớp xã hội, của các thành phần kinh tế trên địa bàn, nguồn vốn ưu đãi tập trung hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa vượt chuẩn cận nghèo đạt trên 3.000 tỷ đồng. Kết thúc năm 2018, công tác giảm nghèo đã đạt mốc quan trọng khi trong giai đoạn năm 2016-2018 có hơn 59.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và hơn 58.300 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo. Từ kết quả trên, thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo thành phố giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó tiêu chí thu nhập hộ nghèo bình quân 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và mức chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập trên 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm. Như vậy, công tác giảm nghèo của thành phố bước sang chặng đường mới với mục tiêu cao hơn, khó khăn hơn nhưng để ngày càng nâng cao chất lượng đời sống người dân thành phố.
+ Các lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, an toàn thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội đạt kết quả và có sự chuyển biến tích cực. Tổ chức thực hiện nhiều hoạt động văn hoá vui chơi, lành mạnh nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân và được đánh giá cao. Tỷ lệ trường trung học thực hiện giáo dục thể chất trong nhà trường luôn đạt 100%. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được triển khai hiệu quả. Nếp sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đã trở thành thói quen của khá đông người dân thành phố. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, ngành học được nâng cao; tính đến nay toàn thành phố có 223 trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học, bậc học. Thực hiện hiệu quả Đề án giảm tải ở Bệnh viên thông qua chương trình hành động “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm tải bệnh viện”. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn thực phẩm của chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất và người tiêu dùng.
- Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền được nâng lên, kỷ cương được tăng cường. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ không ngừng được nâng cao là nhân tố hàng đầu bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Đảng bộ thành phố không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đảm bảo vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, bồi đắp cho sự gắn bó máu thịt của Nhân dân với Đảng, phát huy và khơi dậy truyền thống năng động, sáng tạo của Nhân dân để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.
+ Chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, lãnh đạo giải quyết kịp thời nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc của Nhân dân. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao, tình trạng đơn điệu, nể nang, né tránh, qua loa được khắc phục. Đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên được cải tiến, thực chất. Công tác bồi dưỡng, giáo dục, phát triển đảng viên tạo chuyển biến tích cực cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng; số tổ chức cơ sở đảng có kết nạp đảng viên, số đảng viên trẻ tuổi, đảng viên nữ và đảng viên là học sinh, sinh viên,… được kết nạp đều tăng. Công tác cán bộ được tập trung chỉ đạo đạt kết quả thiết thực ở tất cả các khâu. Công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thực hiện đúng quy trình, công khai, đạt hiệu quả rõ rệt; việc đào tạo, tăng cường cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ xuất thân từ công nhân về cơ sở tiếp tục được thực hiện tốt gắn với các chương trình đào tạo cán bộ của thành phố. Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước từng bước được củng cố, kiện toàn, sắp xếp, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Dân chủ được mở rộng, vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy. Thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là một trong những thành tựu quan trọng. Thành phố tích cực thực hiện sáng tạo nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ trong Đảng, trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với đảng bộ và chính quyền các cấp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, vận động nhân Nân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, tăng cường mối quan hệ máu thịt của Đảng với Nhân dân.
5.2. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quí giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi. Phát huy những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và nay là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các chương trình đột phá của thành phố.
- Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp bước đầu đạt một số kết quả thiết thực; nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục nâng lên, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, tự nguyện, tự giác trong hoạt động hàng ngày. Nhiều nơi việc học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành động lực, tiêu chí đánh giá, thành biểu hiện cụ thể về hành vi, lời nói, ứng xử chuẩn mực hàng ngày trong giải quyết công việc, trong mối quan hệ với đồng nghiệp và Nhân dân, góp phần hạn chế các vi phạm, ngăn ngừa nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân.
- Các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, tích cực triển khai thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, tích cực xây dựng và nghiêm túc thực hiện kế hoạch cá nhân học tập và làm theo Bác. Các cấp ủy gắn việc thực hiện học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị và những vấn đề lớn của thành phố. Đặc biệt, học tập và làm theo Bác, cả hệ thống chính trị thành phố đang tập trung cao độ, với khí thế và tinh thần tiến công, phấn khởi và thận trọng, trách nhiệm và cầu thị, sáng tạo và cầu tiến, tập trung toàn bộ trí tuệ và phát huy mọi nguồn lực, quyết liệt phấn đấu, vượt qua khó khăn, tạo bước đột phá phát triển của thành phố toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của thành phố đối với cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
- Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, các cấp ủy chú trọng phát hiện, biểu dương nhân rộng các gương làm tốt, cách làm hay, tạo hiệu ứng tích cực trong cán bộ, đảng viên, các ngành, các giới; tăng cườnglãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các phong trào, hoạt động chăm lo người nghèo, công nhân, lao động có thu nhập thấp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...Việc biểu dương, khen thưởng các gương điển hình ngày càng được chú trọng thực hiện; hàng năm, thành phố đều tổ chức biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc bình chọn, biểu dương được tổ chức thẩm định, bình xét từ cấp cơ sở, từ các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích nổi trội ở nhiều lĩnh vực, nhiều giới, trong đó có nhiều tấm gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
- Nhìn chung, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có sự chuyển biến ngày càng tích cực, có mặt sâu sắc hơn trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; việc đề ra các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 đã gắn kết chặt chẽ hơn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết các vấn đề bức xúc của từng địa phương, đơn vị. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân ngày càng hiểu sâu hơn tấm gương đạo đức hết sức cao cả nhưng cũng hết sức bình dị, gần gũi của Bác Hồ, tự giác học tập và làm theo Bác Hồ để ngày càng hoàn thiện mình. Tinh thần trách nhiệm, ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên đã trở nên tự giác và thường xuyên hơn, ý thức làm theo ngày càng chuyển biến tích cực, góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức và tạo sức lan tỏa ra Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và nghị quyết đại hội đảng các cấp; thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019 của thành phố “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”.
50 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ ra đi, những lời di huấn của Người trong Di chúc mãi mãi là lời dạy thiêng liêng, là một di sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước thực hiện di huấn của Người, không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, với nhiều sáng tạo, đột phá và đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định vị trí trọng điểm phía Nam của Tổ quốc, xứng đáng là thành phố mang tên Người.
Với tất cả tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY