1. Chuẩn hộ nghèo là gì?
Theo điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 cụ thể:
- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
*** Các tiêu chí đo lường chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025:
- Tiêu chí thu nhập
+ Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng.
+ Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.
- Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản
+ Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
+ Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
- Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP.
2. Chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo năm 2023
Nhà nước và xã hội luôn giành những ưu đãi nhất định đối với các hộ nghèo. Hộ nghèo được hỗ trợ về chi phí khám, chữa bệnh; Miễn học phí cho học sinh, sinh viên; Hỗ trợ vay vốn xây nhà ở; Hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng. Cụ thể:
- Sự hỗ trợ về chi phí khám, chữa bệnh
Bên cạnh việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người thuộc hộ nghèo thì theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế thì người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến.
- Miễn học phí cho học sinh, sinh viên
Theo quy định tại khoản 12 Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP về các đối tượng được miễn học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo; Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Quyền lợi được hỗ trợ vay vốn xây nhà ở
Theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTG giai đoạn 2) và Nghị quyết 71/NQ-CP cụ thể:
Hộ gia đình thuộc diện nghèo khi có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.
- Hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng
Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 190/2014/TT-BTC quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về mức hỗ trợ tiền điện cụ thể:
Hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành là 46.000 đồng/hộ/tháng.
Phương thức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội: Chi trả trực tiếp theo hình thức hỗ trợ bằng tiền từng quý đến hộ nghèo và hộ chính sách xã hội.