Tay chân miệng là bệnh khá phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, biểu hiện bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước chủ yếu ở tay, chân, miệng. Nếu không điều trị đúng đắn ngay từ đầu, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…
1. Bệnh tay chân miệng là gì?.
Bệnh tay chân miệng do một số vi rút đường ruột như Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, nốt phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, khi đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ sinh hoạt tập trung là yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.
2. Triệu chứng tay chân miệng.
Giai đoạn khởi phát của bệnh thường kéo dài 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ 37,5 đến 38 độ C, đi ngoài phân lỏng hoặc nát 1 đến 3 lần trong ngày. Trẻ thường quấy khóc, khó ngủ, bỏ ăn.
Tiếp theo là giai đoạn toàn phát kéo dài 3-10 ngày với biểu hiện phát ban ở những vị trí đặc hiệu:
- Loét miệng: tại niêm mạc miệng, lợi, lưỡi xuất hiện các chấm đỏ sau đó hình thành các phỏng nước đường kính 2 – 3 mm, khi phỏng nước vỡ để lại các vết loét trợt. Ngoài ra có thể thấy các ban dát đỏ ở quanh miệng, môi.
- Phát ban dạng phỏng nước trên da: Hay gặp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Kích thước khoảng 2 – 10 mm. Một số trường hợp có ban cả ở tay, chân và đầu gối, mông.
Đa số trẻ sẽ bình phục hoàn toàn sau 7 – 10 ngày nếu được chăm sóc phù hợp và không có biến chứng. Nếu trẻ bị tay chân miệng có một trong các biểu hiện như sốt cao từ 39 độ, da tái, chân tay lạnh, nôn nhiều, thở nhanh, khó thở, mệt lả, co giật, loạng choạng, hôn mê… cần đi bệnh viện ngay.
3. Cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ em.
Nếu trẻ có sốt từ 38,5 độ C trở lên cần hạ sốt cho trẻ với paracetamol. Dùng tăm bông thấm dung dịch sát khuẩn chấm vào các vết phỏng nước to sắp vỡ hoặc các vết phỏng nước đã vỡ, trợt loét, vệ sinh nhẹ nhàng toàn bộ vùng da bị ban đỏ, phỏng nước cho trẻ, làm sạch da, sát khuẩn tốt nhất cho trẻ em khi bị chân tay miệng.
4. Chế độ ăn uống cho trẻ bị chân tay miệng như thế nào?.
Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng ăn uống rất khó khăn nên thức ăn cho trẻ cần tuân thủ theo nguyên tắc:
Lỏng: có nghĩa là cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm để trẻ bớt đau đớn khi ăn và dễ tiêu hoá.
Lạt: cho trẻ ăn nhạt, không nên ăn mặn hoặc chua sẽ làm trẻ bị đau rát
Lạnh: nên cho trẻ ăn lạnh để trẻ dễ ăn và không gây kích ứng các vết loét trong miệng.
Bên cạnh chăm sóc đúng cách, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bé và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các biến chứng bất thường.