Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách nhiều thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp và khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo quy định của Luật lý lịch tư pháp, quản lý lý lịch tư pháp nhằm hướng đến bốn mục đích cơ bản sau đây.
Một là, đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Hai là, ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
Ba là, hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.
Bốn là, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Theo đó, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định cụ thể như sau.
i. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã, hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
Ii. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
iii. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.