Vượt lên chính mình, cứu đói cho dân
Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng 30-4-1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.
Nuôi tôm xuất khẩu tại Nông trường Thanh niên Duyên Hải, huyện Cần Giờ, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhằm nỗ lực khắc phục khó khăn sau giải phóng
Sau thắng lợi, không khí cách mạng dâng cao là một thuận lợi, nhưng hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề cả về vật chất và con người. Chính quyền cách mạng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách hết sức gay gắt, nhất là kinh tế kiệt quệ, nạn đói đe dọa và rất nhiều vấn đề phức tạp do chiến tranh để lại mà thành phố là một địa bàn trọng điểm trên nhiều mặt, các thế lực thù địch tập trung đánh phá.
Tình hình chính trị, an ninh, trật tự xã hội hết sức phức tạp. Những phần tử phản động, chống phá cách mạng vẫn còn ở lại thành phố. Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, kể lại, lúc ấy chính quyền cách mạng có hàng núi công việc, từ việc dân chạy tránh chiến tranh từ Quảng Trị, Tây Nguyên dồn về thành phố trong những ngày chiến tranh sắp kết thúc đến việc lo cứu đói, giúp dân hồi hương, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết chất đốt cho thành phố gần 4 triệu dân.
Bức tranh những năm đầu sau giải phóng của TPHCM chìm trong muôn vàn khó khăn, thách thức. Sản xuất đình trệ, hàng hóa khan hiếm, lại thêm bị Mỹ cấm vận khắc nghiệt, đất nước dần lâm vào khủng hoảng, lạm phát phi mã. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân thành phố ăn cơm độn khoai sắn, bo bo dù TPHCM sát vựa lúa ĐBSCL. Nhớ lại giai đoạn đó, PGS-TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kể, lúc bấy giờ, hai nhiệm vụ đặt ra đối với lãnh đạo TPHCM, đó là lo cái ăn cho dân và vực dậy nền sản xuất đang đình trệ. Thời điểm đó, có ngày, cả Thành ủy TPHCM lo việc gạo, bàn về gạo.
Từ sau ngày 30-4-1975 đến nay, TPHCM không ngừng nỗ lực, phấn đấu, trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, từng bước khẳng định vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. TPHCM đang tràn đầy khát vọng vươn lên. Trong quá trình hiện thực hóa khát vọng ấy, truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, nghĩa tình chính là động lực để thành phố luôn hội tụ và tỏa sáng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM NGUYỄN THANH NGHỊ
(Phát biểu tại hội thảo khoa học “TPHCM - Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển”, do TPHCM tổ chức ngày 25-3-2025)
Trước tình cảnh lo chạy gạo từng bữa cho 3,5 triệu dân, lúc bấy giờ, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đã mời bà Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi), Giám đốc Công ty Lương thực TPHCM và một số lãnh đạo bàn việc cứu đói. Sau các cuộc họp bàn, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo các ban, ngành cấp tiền để tổ thu mua lương thực của bà Ba Thi đi ĐBSCL mua gạo với giá thị trường. Trên thực tế, việc thu mua gạo gặp nhiều khó khăn bởi cơ chế ràng buộc, bị cho là thu mua phá giá - khi giá lúa được mua cao hơn giá nhà nước quy định từ 4-5 lần.
Việc mua gạo với giá này là sai nguyên tắc, sai chủ trương của Trung ương, nhưng trước việc lo cứu đói cho dân, đồng chí Võ Văn Kiệt đã bật đèn xanh để bà Ba Thi xuống miền Tây mua gạo về cứu đói cho dân thành phố. Có thể nói, “phá rào” trong mua bán lương thực lúc bấy giờ không chỉ lo cho dân mà còn phá thế cô lập với việc “ngăn sông cấm chợ” thời điểm đó. Việc “phá rào” trong mua bán lương thực không chỉ giải quyết cơn nguy khốn trước mắt, mà còn mở đường cho những đổi mới mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh sau này.
Cởi trói, bung ra sản xuất
Không chỉ lo cứu đói cho dân, nhiệm vụ đặt ra đối với lãnh đạo TPHCM là phải tìm ra hướng đi mới thích hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, bung ra sản xuất để phát triển kinh tế. Đó là thời điểm kinh tế TPHCM đứng trước rào cản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp nên sản xuất bị kìm hãm; mất cân đối nghiêm trọng trong xuất nhập khẩu, thiếu vật tư, nguyên liệu và hàng tiêu dùng thiết yếu…
Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, kể lại, lúc bấy giờ, Ban Thường vụ Thành ủy, kể cả Bí thư Thành ủy đã xuống nhiều nhà máy hỏi han, trao đổi, bàn bạc với giám đốc, kỹ sư cho tới công nhân đứng máy... lắng nghe đề xuất và tìm ra vướng mắc chủ yếu để tháo gỡ. Một hôm, đồng chí Võ Văn Kiệt gặp công nhân trong giờ ăn cơm, thấy “gô” cơm của nhiều anh, chị công nhân chỉ có cơm độn với ít rau muống hay mấy lát dưa, thì đã không kìm được xúc động. “Đồng chí hỏi nếu có thêm nguyên liệu, anh chị em có làm thêm ca không? Ai nấy đều mừng rỡ đồng ý ngay. Đó cũng là lúc thành phố tạo thế “xé rào”, “bung ra” lan tỏa trong nhiều ngành và cả một số tỉnh bạn”, đồng chí Phạm Chánh Trực kể lại.
Nhìn rõ được rào cản thì phải xé rào, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định không chờ cấp trên nữa mà chủ động đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp để thoát ra khỏi sự trì trệ, bế tắc. Thành ủy TPHCM (khóa I) đã có 2 Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết lần thứ 9 (1979) và Nghị quyết lần thứ 10 (1980) đề ra những hướng đột phá theo tinh thần chủ động sáng tạo từ cơ sở, làm cho sản xuất bung ra. Thành phố mượn tài sản, vàng của nhân dân đổi đô la, nhập nguyên vật liệu cho nhà máy sản xuất.
Cùng đó, mở rộng quyền chủ động cho các cơ sở sản xuất được tự khai thác nguyên vật liệu thay vì chờ phân phối; được xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác với các tỉnh thay vì chỉ được làm kế hoạch do Nhà nước cân đối; được thực hiện chính sách 3 lợi ích: lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người lao động; xây dựng lương khoán, trả lương theo sản phẩm, thưởng tăng năng suất, thưởng phát huy sáng kiến...
Thiếu tướng, PGS-TS VŨ QUANG ĐẠO, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng:
Người Sài Gòn - TPHCM có quyền tự hào về chiến công chói lọi của Đại thắng mùa Xuân, tự hào về những giá trị trường tồn mà Đảng và nhân dân thành phố đã tạo nên suốt 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược. Chúng ta càng tự hào không chỉ vì đi trước về sau vẻ vang trong kháng chiến mà TPHCM đã và đang dẫn đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu vì cả nước, cùng cả nước trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu với mục tiêu đi trước về đích trước, nhằm xây dựng TPHCM văn minh hiện đại, nghĩa tình.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, kinh tế TPHCM bắt đầu khởi sắc từ đầu thập niên 1980. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp tăng vọt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,17% giai đoạn 1982-1986, một con số ấn tượng so với mức 2,18% trước đó. Đây là sự phát triển vượt bậc của TPHCM, tạo tiền đề để thành phố cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới. “Mặc dù đi lên từ những khó khăn sau chiến tranh nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường, truyền thống năng động, sáng tạo, TPHCM đã từng bước thoát khỏi cơ chế cũ, nhạy bén tìm hướng đi mới, tiến tới “xé rào, vượt rào”, tạo nên sự đột phá của thành phố ở thời kỳ “đêm trước công cuộc đổi mới””, PGS-TS Nguyễn Danh Tiên nhận định.
Những kỳ tích kinh tế mà TPHCM đạt được là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần vào sự phát triển của TPHCM và cả nước trong những giai đoạn tiếp theo. “TPHCM đã bám sát thực tiễn, coi lợi ích nhân dân là trên hết, tự lực, tự cường, đổi mới tư duy, tìm cách làm ăn mới với những mô hình mang tính đột phá. Những đổi mới của TPHCM lúc đầu bị coi là “phá rào”, “xé rào” nhưng sau được ghi nhận là “bước đột phá đầu tiên” của quá trình đổi mới, là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những đặc trưng tính cách anh hùng đã trở thành thuộc tính, thương hiệu của TPHCM”, PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh.