1/ Đặc điểm về bệnh dịch tả heo Châu Phi
Bệnh dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên heo, không lây nhiễm và gây bệnh ở người; heo chết khi mắc bệnh chiếm tỷ lệ 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn.
Vi rút dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao; Chúng có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết của heo bệnh, trong xác động vật, trong thịt heo và các chế phẩm từ thịt heo như xúc xích, giăm bông. Đặc biệt là trong các sản phẩm thịt heo sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao vi rút có thể chịu được trong thời gian dài 3 - 6 tháng. Vi rút sống trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39°C được 150 ngày, trong thịt giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 50°C tồn tại trong 3 giờ.
Vi rút có thể lây lan trực tiếp từ heo bệnh sang heo chưa mắc bệnh, sản phẩm heo mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn thừa, dụng cụ chăn nuôi, người tiếp xúc với heo bệnh, quần áo có chứa chất mang vi rút v.v...
Hiện nay trên thế giới chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.
Từ kết quả điều tra sơ bộ về nguyên nhân xuất hiện, lây lan dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian qua được phân tích như sau:
+ Mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết chiếm 36%;
+ Do con người, phương tiện chiếm 25%
+ Sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt chiếm 39%.
* Triệu chứng bệnh
- Thể cấp tính là do vi rút có độc lực cao gây ra, heo sốt cao (40,5-42ºC). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Heo không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Heo có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.
Trong 1-2 ngày trước khi con heo chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Heo sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc 20 ngày. Tỷ lệ chết lên tới 100%.
- Thể á cấp tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình, heo biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Heo sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bị bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài từ 5 đến 30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì heo có thể chết, heo chết trong vòng 15-45 ngày, tỷ lệ chết khoảng 30-70%.
- Thể mãn tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp. heo có triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành mãn tính.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh Dịch tả heo châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, do đó cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả heo châu Phi.
2/ Đối với người chăn nuôi heo cần:
- Hạn chế cho người khác vào khu vực chăn nuôi, trong trường hợp cần thiết phải vào khu vực chăn nuôithì yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định (thay trang phục, mang ủng, thực hiện tiêu độc khử trùng cho người, dụng cụ và phương tiện)
- Cần phải rắc vôi bột ở lối vào khu chăn nuôi; trước các dãy chuồng nên có hố khử trùng hoặc có thể đặt khay đựng hóa chất hay vôi bột để khử trùng giày dép trước khi vào khu vực chuồng.
- Thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng chuồng trại 2 lần/tuần.
- Đối với hộ tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi cần phải nấu chín thức ăn ít nhất 30 phút; thường xuyên khử trùng phương tiện vận chuyển và thùng thu gom thức ăn thừa.
- Khi nhập heo về nuôi và khi xuất bán phải khai báo kiểm dịch với Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận 2, 9, Thủ Đức.
- Sau khi xuất bán heo phải vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, quét vôi chuồng và để trống chuồng một thời gian ít nhất 2 tuần trước khi nhập heo mới về nuôi.
- Chỉ nên nhập heo từ các trại chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y.
- Không chế biến thức ăn gần khu vực chăn nuôi heo và luôn rửa tay bằng xà phòng sau khi chế biến thức ăn.
- Khi phát hiện đàn heo có những biểu hiện như sốt cao, bỏ ăn hàng loạt, ... hoặc có các triệu chứng điển hình của bệnh Dịch tả heo châu Phi như đã nêu trên thì phải nhanh chóng báo cho UBND Phường hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận 2,9, Thủ Đức để được kiểm tra và xử lý kịp thời
* Địa chỉ của Trạm Chăn nuôi - Thú y liên quận 2,9, Thủ Đức: 330 Võ Văn Ngân, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, số điện thoại 028.3897.2935. Trưởng Trạm: Ông Trảo An Hà, điện thoại 0908.262.895.
3/ Mức hỗ trợ đối với hộ chăn nuôi heo khi xảy ra dịch bệnh
- Về mức kinh phí hỗ trợ cho chủ vật nuôi có heo mắc bệnh, heo nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
+ Đối với heo con, heo thịt các loại hỗ trợ mức tối thiểu bằng 80% giá thị trường tại thời điểm có dịch xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Giá thị trường được xác định trên cơ sở giá bán heo hơi loại 1 trung bình của Công ty Cổ phần CP Việt Nam, Công ty CJ và giá thu mua heo loại 1 của Công ty Vissan.
+ Đối với heo đực, heo nái giống lai hai máu để sản xuất con giống thương phẩm (giống bố mẹ, thương phẩm) đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 lần so với mức hỗ trợ đối với các loại heo khác tại thời điểm có dịch bệnh.
+ Đối với heo đực, heo nái giống thuần để sản xuất con giống (giống cụ kỵ, ông bà) đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 2,0 lần so với mức hỗ trợ đối với các loại heo khác tại thời điểm có dịch bệnh.
Trong trường hợp giá thị trường giảm xuống thấp hơn giá thành sản xuất thịt heo, hỗ trợ mức giá bằng với giá thành sản xuất thịt heo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.